TIN TỨC GEARLAUNCH
Với GearLaunch, bạn sẽ không bao giờ bị mất phương hướng. Từ các công cụ hữu ích đến các tài nguyên chuyên sâu, sứ mệnh của chúng tôi là giúp bạn tìm đường đến thành công.
Với GearLaunch, bạn sẽ không bao giờ bị mất phương hướng. Từ các công cụ hữu ích đến các tài nguyên chuyên sâu, sứ mệnh của chúng tôi là giúp bạn tìm đường đến thành công.
September 24, 2021
Từ khóa có thể tạo nên hoặc phá vỡ xếp hạng tìm kiếm trang của bạn. Biết cách để tìm đúng từ khóa SEO có ý nghĩa quyết định đối với khả năng xuất hiện của bạn trên mạng Internet. Chúng ta đã tìm hiểu qua những điều cơ bản về từ khóa, giờ đã đến lúc chúng ta cần đào sâu và nghiên cứu từ khóa rồi đấy.
Có lẽ bạn sẽ thắc mắc vì sao chúng tôi lại dành hẳn ra một bài viết riêng về chủ đề nghiên cứu từ khóa. Sao chúng tôi không gộp chung với các bài viết về từ khóa khác cho gọn? Đó là bởi vì nghiên cứu từ khóa là một quá trình phức tạp hơn bạn nghĩ đấy. Chính vì vậy mà chúng ta không thể “cưỡi ngựa xem hoa” bằng cách gộp chung với các bài viết khác được.
Việc nghiên cứu từ khóa không hẳn là một vấn đề nan giải, nhưng chắc chắn sẽ tiêu tốn không ít thời gian và công sức của bạn. Bạn cần chuẩn bị tinh thần vì bạn sẽ phải mắc lỗi và thử đi thử lại nhiều lần đấy. Nghiên cứu từ khóa không chỉ giúp nâng cao xếp hạng của bạn trên các trang tìm kiếm, mà còn giúp bạn nhận ra khách hàng của mình đang tìm kiếm điều gì.
Thêm vào đó, bạn hoàn toàn có thể nổi bật khỏi đám đông, nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu khách hàng của mình.
Có một số thuật ngữ bạn cần biết trước khi bắt tay vào nghiên cứu. Bạn cũng nên tìm hiểu về các phương thức tìm kiếm khác nhau mà mọi người đang sử dụng để tìm ra phương thức phù hợp nhất với bạn.
Khối lượng tìm kiếm là tần suất mà một từ khóa hoặc một cụm từ được tìm kiếm. Khối lượng tìm kiếm càng cao thì càng khó để được xếp hạng cao. Điều này còn được biết đến là độ khó của từ khóa.
Các công ty lớn luôn giành được thứ hạng tìm kiếm từ khóa cao nhất, và từ khóa của họ thường là những từ đơn và có khả năng bao quát rất rộng. Hãy thử nghĩ đến một thương hiệu chuyên bán lẻ sở hữu từ khóa “quần áo” cho riêng mình. Nếu bạn là người mới gia nhập cuộc chơi, hoặc chỉ sở hữu một doanh nghiệp tầm trung, thì tốt hơn hết bạn nên hạ thấp độ khó từ khóa của mình. Tuy nhiên, cũng đừng vì vậy mà chọn từ khóa có khối lượng tìm kiếm quá thấp, vì như vậy thì bạn sẽ chẳng bao giờ có cơ hội được tìm thấy cả.
Một phần của nghiên cứu từ khóa là học cách cân bằng khối lượng tìm kiếm để tránh rơi vào 2 cực: quá cao hoặc quá thấp, để rồi đánh mất đi khả năng cạnh tranh của mình.
Việc hiểu được sự khác nhau giữa từ khóa đuôi ngắn và từ khóa đuôi dài là rất quan trọng. Khái niệm này đã được giải thích trong phần tổng quan về từ khóa trước đây, tuy vậy hãy cùng nhắc lại khái niệm này một chút nhé.
Từ khóa đuôi ngắn thường là một từ và khó đạt được mục đích xếp hạng vì phạm vi bao quát quá rộng. Một ví dụ điển hình là một thương hiệu bán lẻ lớn sử dụng từ khóa “quần áo”.
Từ khóa đuôi dài là những cụm từ mà mọi người sử dụng trong thanh tìm kiếm. Chúng tạo ra ít lưu lượng hơn nhưng lại mang về những khách hàng có nhiều khả năng mua sản phẩm hơn. Thay vì sử dụng “quần áo”, bạn có thể sử sử dụng một cụm mô tả cụ thể hơn như “áo thun đen có những câu nói hài hước”.
Có năm phương thức nghiên cứu phổ biến. Tùy vào nhu cầu của mình mà bạn có thể chọn ra những phương thức phù hợp nhất với mình.
Phương thức nghiên cứu này chỉ có mục đích đơn thuần là thu về các câu trả lời. Đây là khi mọi người tìm kiếm tên của một nam diễn viên hoặc một địa danh ở một khu vực nhất định.
Nghiên cứu điều hướng là khi mọi người muốn đi đến một trang web cụ thể và nhập từ khóa vào thanh tìm kiếm. Ví dụ như khi một ai đó muốn truy cập Facebook nhưng lại không biết trang web chính xác để truy cập
Phương thức nghiên cứu này hẳn sẽ là một trong những phương thức bạn muốn sử dụng nhất. Đây là khi một ai đó có nhu cầu mua một món gì đó. Lúc này, họ sẽ gõ những cụm từ đại loại như “áo thun dành cho người yêu chó”.
Đây là khi người tiêu dùng nghiên cứu và so sánh các sản phẩm khác nhau. Bạn có khả năng xuất hiện trong những tìm kiếm này khi khách hàng tiềm năng đang chọn chiếc áo thoải mái nhất có thiết kế giống với thiết kế của bạn. Hãy đảm bảo rằng mô tả sản phẩm của bạn liệt kê được tất cả những điểm nổi trội về sản phẩm của mình.
Đây là khi mọi người muốn tìm kiếm các doanh nghiệp địa phương, ví dụ như quán cà phê hoặc nhà hàng.
Từ khóa là nền tảng để bạn xây dựng nên khối lượng tìm kiếm của mình. Bạn càng nghĩ ra được nhiều từ khóa thì hành trình nghiên cứu của bạn càng suôn sẻ. Trong quá trình này, bạn sẽ nhận ra những từ khóa không hiệu quả thông qua việc chạy thử các nghiên cứu của bạn. Khi đó, hãy bỏ qua những từ khóa này và bắt đầu với các từ khóa mới.
Đừng vì vậy mà hoang mang nhé, vẫn còn rất nhiều cách để tìm từ khóa đấy. Còn bây giờ thì hãy cầm bút lên, để giấy trước mặt và mở tài liệu ra để bắt đầu thôi nào.
Hãy liệt kê ra những sản phẩm/dich vụ mà cửa hàng/trang web của bạn cung cấp. Hãy thoải mái viết ra toàn bộ những ý tưởng hay bất cứ điều gì hiện lên trong đầu bạn. Nghĩ xem sản phẩm của bạn là gì, thiết kế của bạn đi theo hướng nào, màu sắc bạn thường sử dụng nhất là gì, và thậm chí cả những chủ đề mà bạn thường viết (nếu bạn là một bút chuyên viết).
Đôi khi bạn cần đặt suy nghĩ của mình sang một bên để ướm lên suy nghĩ của khách hàng. Nếu bạn là họ thì bạn sẽ tìm kiếm sản phẩm như thế nào? Bạn sẽ kinh ngạc khi nhận ra rằng có những từ và cụm từ rất quen thuộc với bản thân bạn, nhưng lại rất xa lạ với khách hàng tiềm năng của mình.
Hãy tạo ra một danh sách các từ và cụm mà bạn nghĩ khách hàng sẽ nhập vào thanh tìm kiếm để tìm đến cửa hàng của mình. Đừng ngại ghi ra những cụm từ gần giống nhau. Từ cụm từ có khoảng tìm kiếm rộng như “áo thun in theo yêu cầu” đến cụ thể như “áo thun đen cho những người yêu môi trường”.
Bạn càng nảy ra nhiều ý tưởng thì mọi việc sẽ càng diễn ra dễ dàng hơn. Dẫu sao thì việc lọc ra và bỏ bớt đi những ý tưởng không phù hợp vẫn đơn giản hơn rất nhiều so với việc phải “vò đầu bứt tai” suy nghĩ ý tưởng mới.
Nếu bạn có cảm giác danh sách của mình thiếu đi điều gì đó, thì đừng ngần ngại tham khảo mọi người xung quanh về những từ mà họ sẽ dùng. Bạn không những chẳng mất gì mà còn có thể thu về hàng tá những ý kiến quý giá nữa.
Hãy tìm hiểu phương thức mà các đối thủ của bạn đang thực hiện. Đọc content và xem qua metatag của họ để từ đó rút ra cho mình ý tưởng về các từ khóa mà họ đang sử dụng. Bạn không nhất thiết phải lấy từ khóa y hệt họ, thay vào đó, hãy sử dụng những từ khóa mà họ chưa sử dụng.
Sử dụng từ khóa khác biệt sẽ giúp bạn tạo nên lợi thế cho riêng mình.
Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng. Khi bạn hiểu rõ về đối thủ của mình thì bạn sẽ có những đối sách phù hợp để có thể đứng vững trên thương trường. Có khi bạn còn vô tình phát hiện ra ý tưởng về content ở những góc mà đối thủ của mình chưa “chạm” đến.
Sẽ không thừa khi suy nghĩ để chọn ra những từ khóa thích hợp cho từng dịp trong năm, ví dụ như các ngày lễ. Hãy suy nghĩ về các từ khóa dành cho các dịp lễ và phù hợp với cửa hàng của bạn, ví dụ như “quà tặng cốc nước”, hoặc cụ thể hơn càng tốt. Bạn cần có trong tay một danh sách những từ khóa như vậy, ngay cả khi các dịp lễ hãy còn cách rất xa. Đồng thời hãy hình dung xem các mùa sẽ ảnh hướng đến thói quen mua sắm như thế nào.
Hãy nghĩ xem bạn có sản phẩm nào phù hợp với từng mùa xuân, hạ, thu, đông không. Nếu có, vậy đâu sẽ là từ khóa dành riêng cho những mùa này để mang khách hàng đến cửa hàng của bạn?
Tùy thuộc vào nơi khách hàng của bạn sinh sống mà từ khóa có thể có một chút thay đổi. Cùng là một thứ, nhưng bạn hoàn toàn có thể sử dụng các từ và cụm từ khác nhau để miêu tả. Bạn có thể thử liên tưởng đến những khía cạnh mang đậm chất classic ở Mỹ như “soda và pop và Coca-Cola”. Có thể những từ khóa mà bạn đang sử dụng có nhiều biến thể khác mà bạn chưa biết đấy. Vì vậy hãy tìm hiểu xem sao nhé.
Có một sự khác biệt rất lớn giữa việc sử dụng những từ y hệt nhau và những từ gần giống nhau đấy.
Giờ đây, bạn đã cầm trong tay danh sách từ khóa, đã đến lúc để sắp xếp chúng lại rồi đấy. Sẽ thuận tiện hơn khi bạn chuyển danh sách này sang một trang tính đấy. Cách này sẽ giúp bạn theo dõi rõ ràng hơn và cũng rất thuận tiện cho việc tra cứu sau này của bạn nữa đấy. Bạn có thể chia trang tính thành vài cột chính, một cột về từ khóa và các cột còn lại thuộc về những nội dung mà chúng ta sẽ thảo luận dưới đây.
Công cụ tìm kiếm sẽ dựa vào mức độ liên quan của một content để cho ra xếp hạng tương ứng. Mức độ liên quan ở đây được hiểu là content của bạn đáp ứng được bao nhiêu yêu cầu của người tìm kiếm. Đây là lúc 5 phương thức nghiên cứu phát huy tác dụng của mình. Hãy tạo một cột dành cho các phương thức nghiên cứu và phân loại từ khóa tương ứng với mỗi phương thức.
Cách sắp xếp này sẽ cho phép bạn thu hẹp trường từ khóa của mình và dẫn lối bạn đến đúng loại content mình cần.
Khi content của bạn càng có thẩm quyền thì thứ hạng mà nó được công cụ tìm kiếm công nhận sẽ càng cao. Thẩm quyền ở đây có nghĩa là content của bạn cung cấp thông tin chính xác và đáng tin cậy, nên được các trang web khác dẫn nguồn đến content của họ.
Bạn hãy thử dự đoán mức thẩm quyền mà mình có thể đạt được để từ đó có hướng sắp xếp từ khóa của bạn một cách khoa học. Bạn có thể sử dụng thang đo từ 1-10 hoặc từ thấp đến cao để đánh giá mức độ thẩm quyền mà mình có thể đạt được.
Đừng thất vọng nếu bạn chưa có thẩm quyền ngay nhé, bạn chỉ mới bắt đầu thôi mà!
Tiếp theo, hãy sắp xếp từ khóa của bạn theo tần xuất chúng được tìm kiếm. Bạn có thể sử dụng các công cụ khác nhau để quyết định khối lượng tìm kiếm trong tháng của chúng. Một lần nữa, bạn có thể sử dụng thang đo số hoặc từ thấp đến cao để đánh giá.
Hãy tạo thêm một cột để phân loại từ khóa của bạn theo 2 loại là đuôi dài và đuôi ngắn nữa nhé. Điều này sẽ giúp bạn cân bằng trong việc sử dụng hai loại từ khóa này trong các content của mình đấy.
Sau cùng, bảng tính của bạn nên trông giống như thế này (số liệu giả định):
Bây giờ thì bạn đã hoàn thành việc nghiên cứu, và từ khóa của bạn cũng đã được phân loại đâu ra đấy. Đến lúc bạn cho chúng “ra trận” rồi đấy. Bạn có thể sử dụng chúng trên các trang sản phẩm, tiêu đề trang, trong các bài viết, và cả trong mô tả meta nữa. Bằng cách này, bạn sẽ thu hút được sự chú ý của các công cụ tìm kiếm. Để áp dụng chúng một cách thành thục, vui lòng tham khảo thêm bài viết Những điều cơ bản về từ khóa của chúng tôi.
Khi đã có từ khóa trong tay và tung ra content của mình xong, có lẽ bạn sẽ nghĩ rằng mọi việc đã đâu vào đấy và bạn có thể “kê cao gối ngủ” rồi. Nhưng, bạn đã lầm rồi đấy!
Bạn vẫn còn cả khối việc để làm phía trước kìa. Trong đó, việc phân tích kết quả thu về sẽ là một trong những công việc “khó xơi” của bạn. Bạn cần phải phân tích và đánh giá xem số lượng người truy cập tăng lên bao nhiêu sau một tuần và sau một tháng bạn công khai content của mình. Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ phát hiện ra một số từ khóa mang lại hiệu quả tốt hơn các từ khóa khác. Vẫn còn nhiều việc để làm lắm đúng không nào? Này, đừng vì vậy mà thấy choáng nhé. Có rất nhiều các công cụ ngoài kia có thể giúp bạn phân tích tất cả các thông tin này đấy.
Bạn không cần phải tự mình thực hiện tất cả các nghiên cứu này đâu. Có nhiều công cụ miễn phí lẫn trả phí có thể giúp bạn thực hiện việc này.